Thứ Sáu, 29 tháng 4, 2011

Đẹp thay sức sống “Như có Bác trong ngày vui Đại thắng”!

Đẹp thay sức sống “Như có Bác trong ngày vui Đại thắng”!
(Dân trí) -Sức sống của Như có Bác trong ngày vui Đại thắng đã vượt quá tưởng tượng của tác giả bởi ca khúc nói đúng điều mà công chúng cần cất lên; nhịp điệu bài hát là nhịp đập của triệu, triệu trái tim VN - khát khao chiến thắng vươn lên trong Hòa bình, Thống nhất!


Thời khắc lịch sử: Xe tăng của ta húc đổ cổng dinh Độc Lập ngày 30/4/1975. (Ảnh tư liệu)
 
Hơn 30 năm đã qua, nhưng những ngày này tôi vẫn thấy rạo rực cái không khí Tháng Tư của Đất nước, của Đài Tiếng Nói Việt Nam ngày ấy! Trên tường, trên bảng của từng phòng làm việc đánh dấu liên tục đường tiến của đại quân ta đang thắt chặt Sài Gòn…

Tiếng nói của các phóng viên Cao Nham, Đào Lộc Bình trong mục "Sổ tay chiến sự" cất lên hào sảng thu hút triệu triệu trái tim. Những bản nhạc Tiến về Sài Gòn, Giải phóng miền Nam là tiếng kèn thúc giục trên mọi nẻo đường!

Xôn xao bao kỷ niệm, tôi gọi ngay cho tác giả bài hát Như có Bác trong ngày vui Đại thắng. Không ngờ, ông rất nhiệt tình mời đến nhà chơi nói chuyện, bởi “chuyện hơn 30 năm làm sao nói qua điện thoại”.

Như có Bác trong ngày vui Đại thắng: “Trúng, trúng rồi!”

“Ngày ấy, so với phóng viên thời sự, các anh được hừng hực bám sát bước chân các đoàn quân tiến về Sài Gòn thì chúng tôi lặng lẽ, âm thầm chuẩn bị” - Nhạc sĩ Phạm Tuyên là người phụ trách Âm nhạc của Đài ngày nào nhớ lại….

Thực ra, ngay từ đầu tháng 3, Tổng biên tập Trần Lâm đã họp với các nhạc sĩ bàn việc sáng tác ca khúc phục vụ tiến quân, bởi vậy ngay khi Đà Nẵng giải phóng 29/3, tôi đã có ngay Chào Đà Nẵng giải phóng theo nhịp sắc bùa, nhưng hầu như tốc độ sáng tác không theo kịp tốc độ tấn công thần tốc của chiến dịch Hồ Chí Minh.

Ông Bùi Quang Thu (trưởng ban Biên tập Đối nội) là người chịu trách nhiệm về làn sóng thời sự của Đài gặp nhạc sĩ Pham Tuyên "đặt hàng" với trăn trở: “Lần này chiến thắng thật vĩ đại, cho nên ông phải làm một cái gì đó thật hoành tráng, đừng viết lắt nhắt. Phải có cái gì cho thật xứng tầm …”

Dù tâm trí bị hút vào những tin tức thời sự, chưa thật sự muốn làm “cái bề thế” như lời người đồng nghiệp, nhưng đêm về anh vẫn cặm cụi phác thảo một “đại giao hưởng” 4 chương: 1. Miền Bắc lũy thép, 2. Miền Nam thành đồng, 3. Tiến công và nổi dậy, 4. Toàn thắng.

Chất liệu âm nhạc không thiếu. Lời ca hào sảng, phơi phới theo lối xã luận không thiếu… Thế nhưng “Cứ ngồi vào đàn thì nó cứ lý trí làm sao ấy!”.

Thế rồi, đêm 28 tháng 4, khi nghe bản tin cuối cùng trong ngày nói về phi công quân đội Sài Gòn Nguyễn Thành Trung “quay lại” ném bom sân bay Tân Sơn Nhất và dinh Độc Lập thì lòng anh rạo rực!

Anh nghĩ đến ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam đã đến và có lẽ chỉ ngày một ngày hai! Anh hình dung ngay: ngày mai khi Đài báo tin chiến thắng thì từ mọi ngóc ngách xóm xã, nhà nhà, người người đổ ra đường hân hoan reo mừng trong niềm vui tột độ! Trong khí thế ấy liệu có ai ngồi yên để theo dõi bản giao hưởng, hợp xướng 4 chương?

Tính thời sự báo chí của một nhạc sĩ làm việc ở Đài cùng với con tim rung lên theo nhịp đập của những bước chân chiến sĩ đang tiến đến khúc khải hoàn ca toàn thắng đã lóe sáng trong anh “Tiếng reo vui tưng bừng Việt Nam - Hồ Chí Minh” - điệp khúc ấy tự nhiên vang lên!

Anh ngồi vào đàn và viết một mạch đến sau 23h đêm thì hoàn thành! Chép lại bản nhạc sạch sẽ, ngủ một giấc ngon lành, anh cảm thấy như đã trả được một “món nợ tinh thần” trăn trở suốt mấy tháng ròng.

Thế nhưng, sáng hôm sau đem lên Hội đồng duyệt nhạc của Đài, có ý kiến cho rằng “Có lạc quan hơi sớm, lạc quan tếu không?”. Có ý kiến lại cho là đơn giản quá, ngắn quá! Tuy vậy, Hội đồng cũng thông qua và đưa vào kế hoạch dàn dựng, thu thanh để kịp phục vụ kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ 7/5.

Bất ngờ, giữa trưa 30/4, nhạc sỹ được Ban biên tập Đài triệu tập khẩn cấp. Gặp ngay chân cầu thang tòa nhà hành chính, Tổng biên tập Trần Lâm hỏi ngay “Ông đã có bài hát gì về chiến thắng chưa? Lần này là Đại Thắng ! Cờ giải phóng đã cắm lên Dinh Độc lập rồi đấy”.

Xúc động đến trào nước mắt, nhạc sĩ rụt rè: “Tôi chỉ có một bài hát ngắn thôi!”. Tổng biên tập yêu cầu nhạc sỹ hát ngay, vừa hát xong, với nhạy cảm của một nhà báo, ông vỗ tay và thốt lên:

“Trúng rồi, trúng rồi… phải cho dạy ngay bài hát này trên Đài, mời ngay mọi người đang có mặt lên Hội trường học hát và triệu tập ngay Đoàn ca nhạc lên phòng thu M để thu thanh ngay kịp phát vào Chương trình thời sự đặc biệt vào lúc 17h chiều 30/4!”.

Đó là lúc ta chính thức công bố tin hoàn toàn giải phóng miền Nam trước thế giới.
 
Sức sống của ca khúc "Như có Bác trong ngày vui Đại thắng" vượt xa mọi tưởng tượng của chính tác giả. (Ảnh: internet)

Cả nước vang lừng “Như có Bác Hồ trong ngày vui Đại thắng”

Bài hát bừng bừng khí thế, rộn ràng niềm vui do Cao Việt Bách chỉ huy, Đặng Hùng và Tuyết Thanh lĩnh xướng được phát lên cũng là khi hàng triệu người không ai bảo ai đổ xuống đường phất cờ, đánh trống, vỗ tay hát theo.

Việt Nam - Hồ Chí Minh, Việt Nam - Hồ Chí Minh, ba mươi năm Dân chủ Cộng hòa , ba mươi năm kháng chiến thành công!!!

Trên làn sóng của Đài TNVN, trên các loa truyền thanh khắp xóm xã vang vang giai điệu “Như có Bác Hồ trong ngày vui Đại thắng…”

Bộ đội hát, nhân dân hát… đâu đâu cũng được nghe, rồi được tập, được hát theo Đài một cách hứng khởi.

Ngày 1/5 cả Hà Nội lại tiếp tục xuống đường mừng Đại thắng, các ban nhạc sinh viên, Nhạc viện, Quân nhạc đã diễn tấu Như có Bác trong ngày vui Đại thắng làm giai điệu diễu hành …

Ngày 2/5 bài hát được báo Nhân dân đăng tải trang trọng. Thực sự xúc động lòng người cả nước khi trên làn sóng Đài Phát thanh Giải phóng phát từ Sài Gòn vang lên tiếng hát của học sinh sinh viên “Như có Bác Hồ trong ngày vui Đại thắng…”

Một phần ba thế kỷ, tôi ngồi đối diện với tác giả để cùng nhìn lại. “Bây giờ đã có độ lùi cần thiết để nhìn lại tác phẩm của mình, anh thấy có điều gì khi phải nói: Giá mà …?”

Là một người điềm đạm, nho nhã, luôn có cái nhìn cái thâm trầm chuẩn mực, nhạc sĩ Phạm Tuyên nở một nụ cười kín đáo: “Ngay từ lúc 16h ngày 30/4 năm ấy khi bài hát thu thanh xong, nhiều người trong đó các vị lãnh đạo hỏi tôi anh có cần bổ sung sửa chữa gì không? Tôi đã lắc đầu bởi tôi nghe bài hát của chính mình mà cứ tưởng như nó đã có sẵn từ bao giờ rồi!

Ngay cả ông bạn đòi hỏi tôi phải làm một cái gì cho thật hoành tráng lúc này cũng bảo tôi “như thế này là đủ và tốt lắm rồi, chẳng cần gì phải dài dòng văn tự nữa!”. 33 năm nhìn lại, tôi không thấy có gì cần bổ sung sửa đổi mà chỉ muốn nói vì sao tôi đã làm được bài hát “biên niên sử” này”.

Nhiều người từng nhắc đến chi tiết: nhạc sỹ đã bắt đầu cầm bút sáng tác bài hát này chỉ từ khi nghe bản tin đêm phát vào lúc 21h 30 đến sau 23h - chưa đầy 2 tiếng đồng hồ…

Đúng là chỉ chưa đầy 2 tiếng đồng hồ, nhưng nó được chắt lọc từ những gì mà Phạm Tuyên đã đánh đổi để cầm súng, cầm bút, cầm đàn chiến đấu suốt 30 năm trường kỳ kháng chiến - chống Pháp, chống Mỹ, mới thốt lên được câu rất đỗi tự nhiên: Việt Nam - Hồ Chí Minh, 30 năm Dân chủ - Cộng hòa, kháng chiến đã thành công …
 

Cả nước tưng bừng trong cờ hoa rực rỡ và giai điệu "Như có Bác Hồ trong ngày vui Đại thắng"

Thành công rực rỡ vượt xa tưởng tượng

Được nhà nước tặng thưởng huân chương lao động có lẽ cũng là sự kiện đặc biệt đối với bài Như có Bác trong ngày vui Đại thắng.

Tôi xin ghi lại nguyên văn câu chữ trong tấm bằng huân chương do Chủ tch Hội đồng Nhà nước Trường Chinh ký “Thưởng nhạc sĩ Phạm Tuyên - Phó Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Ủy ban Phát thanh-truyền hình Việt Nam đã có thành tích xuất sắc trong việc sáng tác bài hát Như có Bác trong ngày Đại thắng - góp phần cổ vũ kip thời cho ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc”.

Nhà nước ghi nhận, đánh giá công lao là một điều hết sức vui mừng, nhưng có lẽ điều quan trọng đối với một tác phẩm nghệ thuật chính là sức sống của nó trong lòng công chúng. Sau 1/3 thế kỷ có những điều đã vượt ra quá tầm nghĩ của người sáng tác.

Tôi nói với anh: Thời còn Bác, sau mỗi khi kết thúc hội nghị, meetting thì thường Bác Hồ bắt nhịp Bài ca kết đoàn nhưng từ ngày giải phóng miền Nam thì chẳng có văn bản nào chỉ đạo, nhưng từ trung ương đến tỉnh huyện, xóm xã, bất cứ cuộc hội họp nào từ to đến nhỏ đều mở đầu là Quốc ca, kết thúc là Như có Bác trong ngày vui Đại thắng.

Trẻ con ngày trước đến mẫu giáo bài hát đầu đời là “bé bé bằng bông, bé đi sơ tán”, nhưng sau giải phóng, một trong những bài hát phổ biến nhất chính là Như có Bác trong ngày vui Đại thắng.

Bài hát còn vượt ra khỏi biên giới nước nhà để lan tỏa ở khá nhiều nước như Nga, Đức, Cuba , Trung Quốc… và thật đáng vui khi ta được biết từ năm 1979, Hội Âm nhạc lao động Nhật Bản đã dịch ra tiếng Nhật và in phổ biến xuống tận 49 tỉnh thành.

Còn có một điều rất quý giá với nhạc sỹ Phạm Tuyên là năm 1976 - Kỷ niệm 1 năm giải phóng miền Nam - thống nhất Tổ quốc, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã lấy tên bài hát Như có Bác trong ngày Đại thắng để đặt tên cho một bài viết trên báo Nhân Dân, nêu bật ý nghĩa cũa chiến thắng vĩ đại ấy.

Sức sống của bài hát đã vượt quá tưởng tượng của tác giả bởi điều quan trọng nhất chính là ca khúc đã nói đúng điều mà công chúng cần cất lên; nhịp điệu của bài hát chính là nhịp đập của triệu, triệu trái tim Việt Nam - khát khao chiến thắng vươn lên trong Hòa bình, Thống nhất!

Nguyễn Lương Phán

Người bắn rơi chiếc máy bay Mỹ cuối cùng trước thời khắc “Đất nước trọn niềm vui”

Người bắn rơi chiếc máy bay Mỹ cuối cùng trước thời khắc “Đất nước trọn niềm vui”
(Dân trí) - Tên ông Nguyễn Văn Thoa được nhắc đến trong lịch sử tỉnh Vĩnh Phúc như một huyền thoại chiến đấu quả cảm, anh hùng và là nỗi khiếp sợ của Không quân Mỹ - Ngụy. Người dân xã Bồ Sao, huyện Vĩnh Tường mến yêu gọi ông là "con người của những chiến công".
Ông đã 13 lần được tặng danh hiệu "Dũng sỹ diệt Mỹ", 3 lần được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công Giải phóng và vinh dự lớn nhất là năm 2000, ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Là chiến sĩ C3 D72 thuộc Quân chủng Phòng không Không quân, vào lúc 9h30’ ngày 30/4/1975, Nguyễn Văn Thoa đã lập một chiến công đầy ý nghĩa đúng vào thời khắc lịch sử của đất nước, đó là bắn rơi 1 chiếc máy bay của địch tại xã Tân Thới Hiệp, huyện Hoóc Môn ,Thành phố Hồ Chí Minh (phía Bắc Sân bay Tân Sơn Nhất), chỉ cách giờ "Đất nước trọn niềm vui" chiến thắng hai tiếng đồng hồ. Đây cũng chính là chiếc máy bay cuối cùng của đế quốc Mỹ bị bắn rơi trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.

Ở tuổi 64 ông vẫn dẻo dai và bền bỉ. Sức bền bỉ được dày công tôi luyện trong chiến trường năm xưa và cuộc sống đời thường ngày hôm nay. Ông kể: Mùa xuân năm 1971, khi vừa tròn 19 tuổi, tốt nghiệp Trường PTTH Lê Xoay, huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang ở giai đoạn quyết liệt. Tạm gác lại ước mơ vào học đại học, ông lên đường nhập ngũ và được điều động về C3 D72 thuộc Quân chủng Phòng không Không quân. Trước yêu cầu cấp thiết của tiền tuyến, ông chỉ có 4 tháng học tên lửa vác vai A72, kết thúc khoá học ngắn ngủi, ông trở về C3 D 172 F77( là 1 trong 3 Sư đoàn chủ lực) cùng đơn vị vượt Trường Sơn vào thẳng chiến trường miền Đông Nam Bộ với nhiệm vụ chốt chặn, không cho địch ở Sài Gòn hỗ trợ, giải vây cho đồng bọn trên các trận địa phía ngoài. Bằng những kiến thức đã học, lại thông minh, nhanh nhẹn ông đã vận dụng những bài học ở trường, ở lớp vào thực tế chiến đấu có hiệu quả như: Tính được tốc độ bay của đầu đạn, tốc độ của từng loại máy bay để có thể ngắm, bắn chính xác.

Năm 1972, đứng trước nguy cơ phá sản của chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh”, đế quốc Mỹ huy động một lực lượng lớn không quân và hải quân thuộc loại hiện đại nhất vào tham chiến ở miền Nam nước ta. Ngày 5/4/1972, một tốp máy bay của Mỹ, do 1 chiếc “cá lẹp” chỉ huy cùng 20 chiếc trực thăng và 1 chiếc L19 ầm ầm kéo vào bắn phá, gây tội ác ở khu vực Minh Thạnh (Tây Ninh). Được lệnh chiến đấu, Nguyễn Văn Thoa đã nhanh chóng chiếm lĩnh trận địa, thao tác chính xác, sau 37 giây, quả đạn đầu tiên đã được phóng đi trúng đích, một chiếc HU1A trúng đạn, nổ tung trên bầu trời trước niềm hân hoan, vui sướng của đồng đội.

Phát huy kinh nghiệm ở trận chiến thắng đầu tiên, những ngày sau ông liên tiếp lập công, trong tháng 4/1972, với 3 quả đạn, ông đã tiêu diệt gọn 3 chiếc máy bay của địch. Tháng 2/1973, đơn vị của Nguyễn Văn Thoa được lệnh đánh sân bay Tống Lê Chân. Vào trận, ông đã bình tĩnh, tự tin phóng 2 quả đạn, hạ 2 máy bay địch, làm cho bọn địch hoảng loạn, tạo thuận lợi cho bộ đội ta tiến vào chiếm lĩnh toàn bộ trận địa.

Hiệp định Pari được ký kết chấm dứt chiến tranh xâm lược ở Việt Nam, đế quốc Mỹ cố tình tìm mọi cách dung dưỡng chính quyền tay sai Nguyễn Văn Thiệu mở các chiến dịch “Bình định lấn chiếm”, ngang nhiên phá hoại Hiệp định Pari. Tháng 9/1973, bọn chúng huy động một lực lượng lớn máy bay đánh phá khu vực suối Đá, núi Bà Đen. Được lệnh chiến đấu, với 2 quả đạn Nguyễn Văn Thoa hạ thêm 2 chiếc máy bay nữa góp phần đập tan âm mưu “Tràn ngập lãnh thổ” của Mỹ - Ngụy.

Ghi nhận chiến công của ông, ngày 30/9/1973, Chi bộ D172 F77 đã tổ chức kết nạp Nguyễn Văn Thoa vào Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam). Đây là một vinh dự lớn và là động lực lớn để Nguyễn Văn Thoa tiếp tục phấn đấu, rèn luyện và khẳng định mình trong chiến đấu. Tháng 10/1973, trong một trận đánh bắn máy bay địch trên Quốc lộ 1A (ở gò Dầu), ông tiếp tục lập công, hạ 1 máy bay của địch bằng 2 quả đạn. Tiếp đến tháng 1 năm 1974, tại Thị xã Mộc Hoá, Kiến Tường, 2 chiếc máy bay nữa của địch lại trúng đạn của ông.

Ngày 12/2/1975, trong một trận chiến đấu diễn ra vô cùng ác liệt tại Thị xã Mộc Hoá bên bờ sông Vàm Cỏ Tây, trận địa của ông bị địch oanh kích dữ dội, ông bị một mảnh đạn trúng đầu, buộc phải rời vị trí chiến đấu, lùi về tuyến sau để điều trị, nhưng khi vết thương vừa tạm ổn, ông lại hăng hái xin ra mặt trận để tiếp tục được chiến đấu cùng đồng đội. Như vậy trong thời gian 4 năm, Nguyễn Văn Thoa đã tham gia 6 trận đánh, chỉ với 18 quả đạn ông đã bắn rơi 13 máy bay địch, trong đó có 3 chiếc trinh sát L19, 4 chiếc trực thăng chiến đấu HU1A, 2 chiếc CH54, 2 chiếc AD6 và 2 chiếc máy bay vận tải C130.

Trở về đời thường, người chiến sỹ một thời oanh liệt năm xưa lại hăng hái tham gia các hoạt động xã hội, hiện ông là Chủ tịch Hội cựu chiến binh xã Bồ Sao, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, giành nhiều phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước. Ông luôn hưởng ứng và tham gia tích cực các phong trào của địa phương, mẫu mực trong sinh hoạt hằng ngày.

Những ngày tháng 4 này, anh hùng Nguyễn Văn Thoa bận rộn hơn vì những cuộc hành trình ra Bắc vào Nam và cũng là dịp để ông kể lại cho thế hệ tương lai nghe về thời đạn bom, khói lửa gian nan nhưng rất đỗi tự hào.

Lâm Đào An
TTXVN

Thứ Năm, 28 tháng 4, 2011

Những hình ảnh giải phóng Sài Gòn

Những hình ảnh giải phóng Sài Gòn

Xe tăng thần tốc tiến về cửa ngõ Sài Gòn, quân giải phóng bao vây đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất... Những hình ảnh hào hùng đã được trưng bày trong triển lãm kỷ niệm 36 năm giải phóng miền Nam (30/4/1975).

Cuối tháng 3/1975 đồng chí Lê Đức Thọ
Cuối tháng 3/1975, ông Lê Đức Thọ từ miền Bắc vào Nam cùng các ông Phạm Hùng, Đại tướng Văn Tiến Dũng thay mặt Bộ Chính Trị trực tiếp chỉ đạo chiến dịch giải phóng Sài Gòn.
Mũi đấu tranh chính trị ven đô tham gia giải phóng Sài Gòn.
Cán bộ, chiến sĩ khu Sài Gòn - Gia Định vượt Rạch Sơn về tham gia giải phóng Sài Gòn, tháng 4/1975.
Các đợn vị bộ binh thần
Các đơn vị bộ binh và xe tăng thần tốc tiến về giải phóng Xuân Lộc, đập tan cửa ngõ phía đông Sài Gòn, làm rung chuyển cả hệ thống phòng thủ còn lại của chính quyền Việt Nam Cộng hòa.
Quân giải phóng đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất, ngày 30/4/1975.
Quân giải phóng đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất, ngày 30/4/1975.
Nhân viên sứ quán Mỹ tháo chạy khỏi Sài Gòn.
Các chiến sĩ quân Giải phóng kéo cờ mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam lên cột cờ Thủ Ngữ bên sông Sài Gòn.
Nhân dân Sài Gon Gia Định
Nhân dân Sài Gòn - Gia Định tham gia mít tinh mừng chiến thắng ngày 15/5/1975.
Quốc Thắng (chụp từ ảnh tư liệu)
vnexpress.net

Thứ Tư, 27 tháng 4, 2011

Gây tội ác vì game online

Gây tội ác vì game online
Vì game online mà hắn đã gây tội ác (Hình minh họa)

Gây tội ác vì game online

Thứ Năm, ngày 28/04/2011, 10:16
Đứng trước vành móng ngựa, bị cáo với gương mặt còn non choẹt, tuổi đời mới 15 nhưng đã gây trọng án nghiêm trọng, bị khép tội Giết người, Cướp tài sản. Bị hại tuổi ngoài 63 đứng trước tòa đã xin tha tội chết cho tên cướp đáng tuổi con cháu đã có ý định sát hại mình để cướp xe cách đó không lâu.
An ninh hình sự cập nhật liên tục tất cả các ngày trong tuần

Chở nhầm kẻ ác
Dù tuổi đã ngoài lục tuần, nhưng do hoàn cảnh gia đình gặp nhiều khó khăn, ông Nguyễn Văn T (63 tuổi, ngụ quận 8, TPHCM) vẫn mưu sinh kiếm sống bằng nghề chạy xe ôm. Nơi làm ăn của ông là ở bến xe quận 8. Nhiều hành khách đi lại tuyến đường này, lúc xuống xe khách về nhà đều kêu ông lấy xe máy chở đi vì ông có tính cẩn thận và lấy giá rẻ, hơn nữa ông lại có cách nói chuyện có cảm tình trong suốt chặng đường chở khách.
Sáng ngày 5/2/2011, như thường lệ ông đang đậu xe ven quốc lộ 50 cách bến xe quận 8 chừng 50m thì có chàng thiếu niên gương mặt còn búng ra sữa đến kêu ông chở về xã Tân Tập (huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An). Thỏa thuận giá xong ông nổ máy xe, người khách còn khen ông tuổi đã già vẫn còn chạy xe để kiếm tiền, ông cũng vui vẻ đáp lại là muốn tìm thêm thu nhập lo cho mấy đứa cháu đang theo học ở các trường.
Qua hết địa phận TPHCM đến huyện Cần Giuộc, do đường hư hỏng nặng, ông Trọn chạy thật chậm và cũng có dịp nói chuyện với hành khách đáng tuổi cháu của mình. Dù ông chưa hỏi đi đâu làm gì, nhưng gã thiếu niên đã cho biết cha mẹ kêu lên TPHCM gặp bà con lấy số tiền vài chục triệu đồng đem về trả tiền mua đất. Để ông tin, y còn đưa cái túi xách cho ông xem và nói nhỏ: "Cháu đi honda ôm cho chắc ăn, đi xe khách lỡ bị bọn cướp trấn lột là chết luôn ông ạ". Nghe vị khác "nhí" nói vậy, ông khá yên tâm mà chẳng hề nghi ngờ người đang ngồi sau lưng mình chính là một "sát thủ" của xe ôm.
3 tiếng đồng hồ truy bắt kẻ cướp
Đến đoạn đường đê ấp Vĩnh Tân (xã Thanh Vĩnh Đông, huyện Cần Giuộc), do con đường đang thi công lầy lội, ông Trọn cùng khách đẩy xe đi bộ qua. Vượt hơn 50m, ông Trọn thấm mệt dừng lại rồi dắt xe vào hàng cây đi vệ sinh. Bất ngờ từ phía sau, tên thiếu niên cầm cây kéo đâm liên tục vào bụng, ngực chấn thương nặng.
Thấy ông gục xuống, hung thủ đạp mạnh cho ông rơi xuống bờ ruộng. Tuy nhiên, trước khi bất tỉnh, nạn nhân vẫn cố gắng tri hô được vài tiếng. Một số người dân xung quanh nghe thấy chạy ra, biết không thể cướp được tài sản đối tượng băng ra bờ sông nhảy xuống nước bơi ra ngoài để trốn tránh.
Lúc nhân dân có mặt, mọi người phát hiện ông Trọn máu chảy rất nhiều thấm cả áo, hung khí gây án vẫn còn dính ở trên ngực, không thể chậm trễ họ đã dùng xe chở đưa đi cấp cứu. Hàng chục người còn lại cùng lực lượng công an, dân phòng vây kín cả bờ sông.
Nhận định đối tượng có khả năng bơi theo dòng nước trốn đi xa, công an xã dùng xuồng máy chặn hai đoạn sông, một số lội dọc hàng dừa nước để lần theo dấu vết thủ phạm. Đúng như dự định, gần 3 giờ đồng hồ truy lùng, người dân tóm được y khi đang chui vào hốc cây cách điểm gây án khoảng một cây số.
Điều 12 Bộ luật Hình sự năm 2000 (BLHS) quy định: "1. Người đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm; 2. Người đủ 14 tuổi trở lên nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng".
Tại cơ quan điều tra, hung thủ khai nhận tên Nguyễn Quốc Huy (15 tuổi, là con trai lớn trong một gia đình đông anh em ở ấp Tân Đại, xã Tân Tập, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An). Sáng ngày 3/2, Huy lấy cắp của gia đình và bà ngoại 2,8 triệu đồng. Số tiền này hắn mang trả nợ 1,4 triệu đồng tiền mượn đi chơi game, số tiền còn lại chỉ trong vòng 48 tiếng đồng hồ y nướng gạch vào game Võ lâm truyền kỳ.
Trong túi cạn vốn, đang lang thang trên đường tìm về nhà, y liền nghĩ cách giết người để cướp tài sản có tiền tiếp tục cuộc vui. Đối tượng mà y nhắm đến là "tài xế" xe honda ôm, tuy nhiên mới thực hiện hành động man rợ chưa cướp được tài sản đã sa lưới pháp luật. "Cháu nghĩ mình nhỏ tuổi chắc không bị ở tù nên mới dùng hung khí đâm người", mọi người đều kinh ngạc khi nghe tên Huy thú nhận suy nghĩ nông cạn, rồ dại của hắn như trên.
Chỉ vì game Võ lâm truyền kỳ
Ngày 26/4, Tòa án nhân dân tỉnh Long An đã đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm. Theo nhận định của Hội đồng xét xử, việc thực hiện hành vi phạm tội của Huy là hết sức nguy hiểm, trực tiếp xâm hại đến tính mạng, tài sản của người khác. Tuy nhiên do bị cáo phạm tội lúc đang trong độ tuổi vị thành niên, bà ngoại có công với cách mạng, phía bị hại có đơn xin bãi nại cho bị cáo. Hội đồng tuyên phạt Huy 3 năm tù về tội Giết người, 1 năm tù về tội Cướp tài sản, tổng hình phạt 4 năm tù giam.
Tại phiên tòa, nạn nhân nói: "Cháu Huy tuổi còn nhỏ nhưng đã dám làm một chuyện tày trời như thế, tuy nhiên phần nào cũng có trách nhiệm của gia đình trong công tác quản lý. Đối với cá nhân tôi, dù nghèo nhưng không cần gia đình bị cáo bồi thường mà mong mọi người phải làm sao có trách nhiệm khi cháu ra tù trở về đoàn tụ gia đình". Bà mẹ của Huy khóc ngất tại phiên tòa. Bà ân hận: "Chỉ vì mê game nên nó đã tự phá hỏng cuộc đời nó. Đó cũng là hậu quả của việc gia đình tôi thiếu quan tâm đến con cái".

Theo 24h.com.vn

Teen và những làn gió độc từ Internet

Teen và những làn gió độc từ Internet
Có thể nói rằng, mỗi ngày của teen bây giờ không còn được tính theo ngày - đêm nữa mà đã chuyển sáng cách tính thật - ảo. Sự mênh mông của Internet ngày càng thu hút teen dành khá nhiều thời gian lang thang trên mạng.
Sự “vô tâm” của web

Bên cạnh những website uy tín, cung cấp những thông tin hữu ích và cần thiết cho tất cả mọi người thì vẫn còn tồn tại nhiều trang thông tin, diễn đàn mang tính “vô thưởng, vô phạt”, nghĩa là đưa đến cho người đọc những thông tin chẳng biết để làm gì vì không hàm chứa một thông điệp giáo dục, thông điệp nhân văn hay thậm chí là tính thư giãn. Thậm chí, chúng còn mang tính châm ngòi làm cho những lối sống sai lầm có cơ hội bùng phát.

Dường như mỗi giờ, mỗi ngày trên những diễn đàn, trang web đều có những tin, bài về chuyện ca sĩ A, diễn viên B, người mẫu C “lộ hàng”. Sau mỗi tin bài đó lại là chuyện “nạn nhân” than vắn thở dài về nguyên nhân, hoàn cảnh, nỗi đau khổ khi chẳng may "lộ hàng".

Cùng chị em họ hàng với “lộ hàng” là “khoe hàng” và những thông tin này cũng luôn được ưu ái đánh dấu “hot” (nóng) ngay trang chủ. Có vẻ như người ta sợ rằng, nếu không có những thông tin về việc cô này, chị kia, anh nọ khoe lưng, khoe vai, khoe dáng xinh, da chuẩn... là độc giả sẽ quay lưng nên những thông tin này được đưa ra “vô tội vạ” với nhiệm vụ “câu khách".

Quả thực, ngoài việc kích thích sự tò mò của người đọc, tạo “ma lực đen” khiến họ phải rê chuột và “click” một cái… để có thêm thành tích “khách ghé thăm” thì những bài viết dạng như đã nêu không giúp người đọc bất kỳ một điều gì trong việc tiếp nhận thông tin, bởi “mở bài là lộ hàng, thân bài là… "hàng lộ" và kết bài cũng là "lộ hàng”!

Ngoài ra, những thông tin kiểu “Sao X xúng xinh hàng hiệu”, “Sao Y diện đồ độc”, “Sao Z đi ăn kem với bồ”… cũng “la liệt” trên khắp các mặt báo và được tô màu như một tin “hot”, tin “cực kỳ thú vị”, khiến teen không rời mắt.
 
Trong quá trình truy cập Internet, những giá trị teen thu lượm được điều bổ ích hay ngược lại phụ thuộc vào kỹ năng của teen.
 
Và sự "vô tư tiếp nhận" của teen

Internet vô tâm là thế, vậy mà teen cũng vô tư tiếp nhận những thông tin ấy, thậm chí tới mức “ghiền” những thông tin lá cải xuất hiện ào ào mỗi giờ, mỗi ngày. Một ngày mà không điên cuồng click chuột vào những dòng tít kiểu na ná nhau như “Hot girl 9x khoe môi xinh, dáng ngọc” hay “Người đẹp X, Y, Z khoe vai, khoe lưng, khoe mụn ruồi, thậm chí là khoe mụn… trứng cá" là teen bị “ngứa ngáy”, “ngột ngạt”, “bức bối”, “tức tối” và không tập trung làm những việc khác được.

Có những teen đọc vì đó là thông tin liên quan đến thần tượng của mình nhưng cũng có những teen bị hút hồn bởi tiêu đề đầy tính “bí ẩn”, cùng những hình ảnh minh họa vô cùng xinh đẹp, cuốn hút của nhân vật chính khiến teen phải đọc để giải tỏa trí tò mò của mình.
 
Những thông tin không thông điệp trên cứ từng ngày từng ngày “ngấm” vào cách nghĩ, cách nói chuyện, cách hàng động, cách xây dựng hình ảnh của teen trong mắt người khác lúc nào không hay.

Với suy nghĩ rằng, việc “lộ hàng” khiến người nào đó được lên mặt báo suốt ngày, đồng nghĩa với việc được được nhiều người biết đến và đồng nghĩa với việc… nổi tiếng khiến không ít teen manh nha âm mưu “khoe hàng”, gây scandal để mình cũng được nổi tiếng. Thậm chí có những teen bắt chước sao, có những phát ngôn gây sốc với thầy cô, bạn bè,… để khẳng định cá tính “riêng biệt” của mình.

Teen cũng cần hiểu, những bài viết về scandal của những người nổi tiếng dù giúp thỏa trí tò mò nhưng việc đọc chúng thường xuyên sẽ kéo theo sự thờ ơ trong cảm xúc, “đọc vậy thôi chứ chả làm gì”, và cũng đồng thời làm chúng ta mất khả năng “định vị” để chọn lọc những tin tức hữu ích cho bản thân.
 
Thế giới mạng có không ít cạm bẫy mà teen cần hết sức cẩn trọng - Ảnh minh họa: T.L.
 
“Lướt web là nghệ thuật, biết cách lướt web là nghệ sĩ”

Khi chưa có những tác động cần thiết để những thông tin tràn lan trên mạng không còn là những thông tin “chưa sạch” thì teen hãy luyện cho mình những công lực để có thể điều khiển hứng thú, sự quan tâm của mình sang những thông tin hữu ích hơn. Teen có thể tham khảo vài “tuyệt chiêu” sau:

Quản lý thời gian lên mạng

1. Hoạch định cụ thể thời gian teen sẽ online mỗi ngày (60 phút, 90 phút hay 100 phút)

2. Cài đồng hồ hẹn giờ hoặc điện thoại trước khi bắt đầu online để đảm bảo không bị “quên đường về”. Hãy tôn trọng chính bản thân mình bằng cách tôn trọng định mức thời gian mình đã đặt ra, đừng để đồng hồ hẹn giờ kêu đến lần thứ tám mươi mới uể oải tắt máy vi tính nhé!

3. Song song đó, hoạch định mục tiêu khi online; Tìm tài liệu? Tán gẫu với bạn bè? Viết blog? Đọc tin tức? Thư giãn?... Nếu xác định đúng mục tiêu mỗi lần lên mạng, teen sẽ không bị cuốn trôi vào thế giới mà chỉ cần mở một cánh cửa này sẽ lại dẫn bạn đến nhiều những cánh cửa khác.

Lựa chọn giá trị

Teen có quyền đọc những thông tin liên quan đến thần tượng hay những người nổi tiếng khi họ có câu chuyện trên báo. Nhưng hãy khôn ngoan lựa chọn những bài viết hàm chứa những thông tin có giá trị vì điều này sẽ khiến teen sẽ yêu mến họ hơn.

Đó có thể là những bài viết về hoạt động từ thiện, chia sẻ về quá trình gian nan rèn luyện và phấn đấu để thành công, những giải thưởng họ đạt được,… Những nội dung đó sẽ giúp hình thành những cảm xúc tích cực, giúp teen có thêm ý chí để thành công trong học tập, trong cuộc sống đó teen ạ.

Theo Chuyên viên tâm lý Nguyễn Thị Trang Nhung
Tiền Phong